Nhận định Mạc_Thái_Tổ

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, những sử quan biên soạn sách đã không chép triều Mạc thành một kỷ như nhiều triều đại khác mà chỉ gọi là phần phụ. Theo sử quan Đăng Bính nhận định: "Lúc bấy giờ, kẻ quyền gian thế lớn, bọn thần hạ khác lòng, thiên tử bị cô lập ở trên, cả triều không một ai có thể ủy thác được, muốn không sụp đổ, có thể được không? Rốt cuộc xảy ra mối hoạ cho Quang Thiệu, Thống Nguyên, bức hiếp lòng người, dối vua đến gò hoang, cướp lấy thiên hạ của triều Lê, tiếm xưng vị hiệu, vào ở nhà vàng, đủ vành giảo quyệt. Lấy một xó đất Hải Dương gọi là Dương Kinh, tự tiện phế bỏ lăng tẩm của Lê triều, chém giết con cháu các công thần đời trước. Xét những việc làm của nó, không khác gì Tào Tháo. Đáng đau xót biết chừng nào!"[66]

Đến thế kỷ XVIII, các sử quan Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, khi soạn sách Đại Việt thông sử, Lịch triều hiến chương loại chí, Kiến văn tiểu lục, với những phần như Quan chức chí, Khoa cử,... đều không coi triều Mạc là một triều đại chính thức. Họ đều không chép gì quan chế, khoa cử,... triều Mạc trong sách, coi như triều Mạc không tồn tại. Lê Quý Đôn trong phần Nhân vật chí, viết phần về các nhân vật Nhà Mạc là "Nghịch thần truyện", gọi Nhà Mạc là Nguỵ Mạc; Phan Huy Chú trong phần Nhân vật chí gọi là phần Sự tích nhà Nhuận Mạc (Nhuận tức là thừa).[67][68][69] Chữ Nhuận mà các sử quan dùng để ghi Nhuận Mạc, tức là Nhuần, là cái phụ thuộc, như tháng nhuần, ngày nhuần. Từ này lấy trong sách Lễ ký, Dĩ tứ thời thành tuế dĩ vi nhuận nguyệt, nghĩa là lấy những ngày thừa trong một thời gian để làm ra tháng nhuần. Như thế có thể hiểu nhuần là chắp vá không chính thức.[70]

Địa điểm nơi mà Mạc Đăng Dung lên biên giới cắt đất cho quan Nhà Minh sau được gọi là Thành Thụ hàng, đến năm 1790 nhà ngoại giao Tây Sơn là Ngô Thì Nhậm đi sứ sang Trung Quốc qua đây đã làm bài thơ Thành thụ hàng:

Lối qua Mạc Phủ tới Bằng Tường,Thành Thụ hàng xưa, dấu cố cương.Núi tựa Lạng Sơn, dòng suối ít,Mốc nêu hạ Thạch, dặm đường trường.Tuyết bay tàn pháo, đồn canh khắp,Sấm chuyển guồng xe, bến nước vang.Đô thống xin hàng, trò khốn nạn,Nghìn năm bán nước tiếng Nghi Dương.[71]

Đến thế kỷ XX, những nhân vật người Nghệ An, Hà Tĩnh như Trần Trọng Kim hoặc Phan Bội Châu đã phê phán nặng lời việc Mạc Đăng Dung cắt đất, quỳ lạy quan Nhà Minh. Theo Trần Trọng Kim viết trong Việt Nam sử lược: "Mạc Đăng Dung đã làm tôi Nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ-cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh-giá cho trọn-vẹn, đến nỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến quỳ lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú-quí cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm-sỉ. Đối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn-ở của loài người, là không có nhân-phẩm; một người như thế ai mà kính phục? Cho nên dẫu có lấy được giang-sơn Nhà Lê, dẫu có mượn được thế Nhà Minh bênh-vực mặc lòng, một cái cơ-nghiệp dựng lên bởi sự gian-ác hèn-hạ như thế, thì không bao giờ bền-chặt được. Cũng vì cớ ấy cho nên con cháu họ Lê lại trung-hưng lên được".[72]

Phan Bội Châu trong sách Việt Nam vong quốc sử đã cho rằng Mạc Đăng Dung với tội trạng cắt đất, nhận Đại Việt làm quận huyện Trung Quốc thì đáng phải chém.

Theo học giả Đào Duy Anh chép trong sách địa lý Đất nước Việt Nam qua các đời: Châu Vĩnh An - chép rằng Lý Thái Tổ đổi trấn Triều Dương làm châu Vĩnh An; châu Vĩnh An đời Lê Thánh Tông có trấn Ngọc Sơn. Chúng ta biết rằng sử chép Mạc Đăng Dung nộp sáu động thuộc châu Vĩnh An, trấn Yên Bang cho Nhà Minh. Có lẽ châu Vĩnh An đời Hồng Đức còn gồm cả miền đông huyện Móng Cái và một dải đất ở phía bắc tương đương với 6 động Mạc Đăng Dung cắt cho Nhà Minh và đến thời Lê Trung hưng thì châu Vĩnh An có lẽ vì việc cắt đất của Nhà Mạc đã bị thu hẹp lại chỉ còn dải đất phía đông huyện Móng Cái, từ địa giới Đông Hưng của Trung Quốc đến Mũi Ngọc và các đảo ở phía tây nam.[73]

Theo K.W. Taylor, một sử gia người Mĩ, đã có cuộc xung đột giữa hai trung tâm quyền lực là vùng Đông Kinh tức Hà Nội ngày nay và vùng Thanh Hóa - Nghệ An. Thời Nhà Hồ, việc Hồ Quý Ly, người Thanh Hóa cướp ngôi Nhà Trần đã dẫn tới người Kinh lộ đã ủng hộ Nhà Minh, như gia đình Mạc Thúy - ông tổ của Mạc Đăng Dung đã theo hàng Nhà Minh. Sau hơn 100 năm, Đông Kinh lại hỗn loạn. Nhân vật tái lập trật tự ở Đông Kinh, Mạc Đăng Dung, là thành viên trong cùng gia đình họ Mạc mà từng ủng hộ Nhà Minh một thế kỷ trước. Ông tập hợp nhóm cận thần mở rộng cửa cho các gia đình Đông Kinh và thành công trong việc huy động sự ủng hộ địa phương. Một chi tiết quan trọng nhưng ít được nhắc tới là Đông Kinh đã trung thành sâu sắc với gia đình họ Mạc trong thế kỷ XVI và Đông Kinh đã cứng rắn chống lại cuộc chinh phục của đoàn quân Thanh Nghệ vào cuối thế kỷ này.[74]

Ý kiến nhận định của các sử gia thời hiện đại

Từ những năm thập kỷ 70, các sử gia hiện đại Việt Nam đã phê phán hành động của Mạc Đăng Dung rất kịch liệt, nhưng những năm sau đó, những người ở miền Bắc Việt Nam như Nguyễn Văn Siêu (Hà Nội), Lê Văn Hoè (Hà Đông), Phạm Văn Sơn (Hà Nội), Trần Quốc Vượng (Hà Tây), Trần Gia Phụng, Trần Khuê, Trần Lâm Biền, Vũ Khiêu, Văn Tạo, Đinh Khắc Thuân, Nguyễn Gia Kiểng, Phan Đăng Nhật, Trần Thị Vinh đã có tiếng nói đối lập với các tri thức ở Nghệ An khi cho rằng đất mà Mạc Đăng Dung cắt là đất khống hoặc đất ấy vốn của vua Lê Thái Tổ chiếm nay trả lại, và hành động của Mạc Đăng Dung là để mang lại hòa bình cho đất nước. Những ý kiến ấy được lược trích dưới đây:

Các bộ chính sử thời phong kiến của Việt Nam do các triều đại đối địch với Nhà Mạc biên soạn như Toàn thư (do nhà Lê-Trịnh sai biên soạn bổ sung ở thế kỷ XVII), Cương mục (do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn ở thế kỷ XIX) đều viết về hai sự kiện Mạc Đăng Dung cắt đất cho Nhà Minh. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Năm 1528, cắt đất dâng nhân dân hai châu Quy, Thuận và hai tượng người bằng vàng và bạc cùng châu báu, của lạ, vật lạ. Vua Minh thu nhận”. Trong Cương mục cũng đặt vấn đề nghi ngờ về sự việc năm 1528 mà Toàn thư đã chép. Các sử gia ngày nay xác định rõ rằng hai châu Quy Hóa và Thuận An đã mất sang tay Nhà Tống từ thời Nhà Lý, do hai thủ lĩnh Nùng Trí Hội và Nùng Trí Cao nộp cho Tống.[75]

Trong sách Phương Đình Dư Địa chí, học giả Nguyễn Văn Siêu đầu thời Nguyễn ở thế kỷ XIX, sau khi khảo cứu các sách địa lý Trung QuốcViệt Nam, đã kết luận: “Mấy động Như Tích thuộc châu Vĩnh An mới có từ niên hiệu Thuận Thiên. Nhà Mạc trả lại cho Nhà Minh đất cũ đã lấn, không phải là cắt đất để đút lót vậy".[76]

Các sử gia ngày nay có quan điểm thống nhất với Nguyễn Văn Siêu.[77] Về “nghi án” dâng đất cho ngoại bang của Mạc Đăng Dung, Trần Khuê (“Cần hiểu đúng Nguyễn Bỉnh Khiêm và Vương triều Mạc”, 1991) cũng có những phân tích chi tiết:

Tác giả Đại Việt sử ký toàn thư (do nhà Lê-Trịnh biên soạn bổ sung ở thế kỷ XVII) coi Nhà Mạc là “ngụy triều” nên không thèm chép riêng thành một kỷ và gọi một cách khinh bỉ là “Mạc thị”. Lê Quý Đôn thì xếp tất cả các vua Mạc vào loại “nghịch thần”. Sử quán triều Nguyễn thì càng khe khắt, khỏi bàn. Sử gia Trần Trọng Kim thì mạt sát hết lời... Tất nhiên khi chép về sự kiện vua quan Nhà Nguyễn lần lượt cắt đất ba tỉnh miền Đông, rồi ba tỉnh miền Tây Nam kỳ, rồi đầu hàng và dâng cả đất nước Đại Nam cho xâm lược Pháp, thì sử gia Trần Trọng Kim lại chuyển giọng khác.Sử gia coi đó không phải là chuyện “phản quốc” và “vô liêm sỉ”… mà là chuyện có thể thông cảm được. Vua Tự Đức vẫn là một đấng anh quân đáng kính phục vì dẫu sao ngài vẫn là một ông vua hay chữ và lại rất có hiếu với mẹ ngài.Khen, chê là thẩm quyền của các sử gia. Điều tôi muốn bàn ở đây là vấn đề sự thật lịch sử. Không cần thiết phải bênh vực cho vua Mạc hay bất cứ thứ vua chúa nào. Nhưng khi thấy sự thật lịch sử bị bóp méo hoặc xuyên tạc thì cần đính chính.Về chuyện cắt đất cho Nhà Minh, tác giả Đại Việt sử ký toàn thư có ghi hai lần....Như thế là tác giả Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép rằng Mạc Đăng Dung nộp cho Nhà Minh 6 động của châu Vĩnh An. Còn Trần Trọng Kim thì chép là Mạc Đăng Dung “xin dâng đất 5 động: là động Tê Phù, động Kim Lạc, động Cổ Xung, động Liễu Cát, động La Phù và đất Khâm Châu”.Thế là không rõ căn cứ vào tư liệu, văn bản nào mà sử gia Trần Trọng Kim bớt đi một động (An Lương) chép sai tên một động (Cổ Sâm thành Cổ Xung) và đặc biệt là thêm ra một châu (châu Khâm). Chưa cần phải kiểm tra, khảo cứu gì cũng lập lức thấy ngay sử gia Trần Trọng Kim đã bịa thêm ra cái gọi là “Khâm Châu”. Khâm Châu là đất thuộc Trung Quốc từ trước đời Nhà Tống và đến đời Minh, và đến tận ngày nay nó vẫn là đất của Trung Quốc; làm sao Mạc Đăng Dung lại có thể cắt đất dâng nộp phần đất không phải của nước mình?Về hai châu Quy Thuận cũng thế, học giả Đào Duy Anh đã chứng minh rằng tác giả Đại Việt sử ký toàn thư nhầm. Đó là hai châu của Trung Quốc.Đào Duy Anh đã khảo chứng và chú giải như sau: “Minh sử quyển 321 chỉ chép: (Cướp ngôi rồi) qua một năm thì (Mạc Đăng Dung) sai sứ sang cống, đến thành Lạng Sơn bị đánh mà trở về chứ không chép việc Đăng Dung dâng đất hai châu Quy Thuận để tạ tội. Vả chăng hai châu Quy Thuận thì Nhà Tống đã chiếm từ thời Lý nước ta rồi.Hai châu Quy Thuận là châu Quy Hóa và châu Thuận An. Trung Quốc địa danh đại từ điển nói rằng châu Quy Hóa đời Tống trị sở ở tại huyện Nghi Sơn tỉnh Quảng Tây. Nhà Tống đặt châu ấy với đất Vật Dương do Nùng Trí Hội nộp. Châu Thuận An thì Nhà Tống đặt ở đất Vật Ác do Nùng Tôn Đản nộp, và các đất Lôi Hỏa, Kế Thành, Ôn Nhuận. Hai châu ấy về sau trở thành châu Quy Thuận tỉnh Quảng Tây”....Còn sử gia Trần Trọng Kim thì vừa xuyên tạc, vừa buông lời mạt sát Nhà Mạc một cách thiếu thận trọng.Nếu Mạc Đăng Dung có mắc tội thì không phải là cái tội “cắt đất mà dâng cho người” mà “tội” của Mạc Đăng Dung là đã xâm lấn đất của người rồi không giữ nổi lại phải đem nộp trả lại đất đã lấn. Điều đáng buồn là những điều chép sai ngoa trong sử sách như vậy cứ được truyền thấm vào tim óc hết thế hệ này đến thế hệ khác và đáng sợ hơn nữa nó lại thấm cả vào ngòi bút của mấy nhà biên soạn sử của ta dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban KHXH Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Huệ Thiên trong bài viết “Mạc Đăng Dung có dâng đất cho Nhà Minh hay không?” [78]:

Xưa nay sử chép rằng Thái Tổ Nhà Mạc là Mạc Đăng Dung đã cắt đất Đại Việt dâng cho Nhà Minh để bảo vệ ngôi báu, lưu lại tiếng xấu muôn đời. Sự thật có phải hoàn toàn đúng như thế không và nếu không thì điều ngoa truyền này bắt đầu từ đâu và với ai?...Đến năm Chính Hòa thứ 18 (1697) đời Lê Hi Tông, Trịnh Căn (1633-1709) lại sai Lê Hi (1646-1702) tổ chức hiệu đính công trình của nhóm Phạm Công Trứ và chép thêm phần bản kỷ tục biên từ đời Lê Huyền Tông (1662-1671) đến hết đời Lê Gia Tông (1671-1675) để đưa khắc ván in mà “ban bố cho thiên hạ”. Phần chép thêm của Đại Việt sử ký toàn thư gồm 24 quyển. Đây chính là bộ Đại Việt toàn thư mà chúng ta đang sử dụng hiện nay....Bằng quan điểm chính thống đến mức cực đoan, Phạm Công Trứ không những đã kiệt liệt lên án hành động “tiếm ngôi” của Mạc Đăng Dung mà còn không ngần ngại dùng cả thủ đoạn xuyên tạc sự thật để bôi nhọ nhân vật đã sáng lập ra Nhà Mạc nữa. Chứng cứ về sự xuyên tạc đó là đã hai lần ĐVSKTT chép việc Mạc Đăng Dung dâng đất cho Nhà Minh.Lần đầu tiên bộ sử này ghi: “Năm Mậu Tí (1528) Mạc tiếm hiệu Minh Đức thứ 2 (…) Đăng Dung sai người sang Yên Kinh báo với Nhà Minh rằng là họ Mạc tạm trông coi việc nước, cai trị dân chúng. Nhà Minh không tin (…) Đăng Dung sợ Nhà Minh đem quân sang hỏi tội, bèn lập mưu cắt đất dâng nhân dân hai châu Quy, Thuận và hai hình người bằng vàng bạc cũng là châu báu của lạ, vật lạ, Nhà Minh thu nhận. Từ đấy Nam Bắc lại thông sứ đi lại” (ĐVSKTT, Tập IV –trang 121 - 122).Việc ghi chép này hoàn toàn sai sự thật. Quy, Thuận chính là Châu Quy Hóa và Châu Thuận An. Hai châu này thuộc về Trung Hoa vào thời Nhà Tống từ những năm 60 của thế kỷ XI....Lần thứ hai mà ĐVSKTT ghi chép về việc “dâng đất” của Mạc Đăng Dung là như sau: “Canh Tí (1540) Mạc Đại Chính năm thứ 11 (…) mùa đông, tháng 11, Mạc Đăng Dung (…) dâng tờ biểu xin hàng, biên hết đất đai, quân dân quan chức trong nước để xin xử phân, nộp các động Tê Phù, Lim Lạc, Cổ Sâm, Liêu Cát, An Lương, La Phù của Châu Vĩnh An trấn Yên Quảng xin cho nội thuộc, lệ vào Khâm Châu…”(ĐVSKTT, tập IV, trang 131-132). Đây là tư liệu chính mà các sách lịch sử về sau của ta luôn nhắc đến để kết tội Mạc Đăng Dung. Trước hết cần nói rõ là số lượng và tên gọi các động ghi trong các sách có chỗ đại đồng tiểu dị. Chẳng hạn Lê Thành Khôi thì căn cứ vào ĐVSKTT mà chép là 6 động, nhưng lại ghi Cổ Sâm thành Cổ Xung (Le Viet Nam Histore etcin lisation, Leseditions deminuít, Paris, 1955, P.263); Trần Trọng Kim chỉ chép 5 động - không có An Lương (Việt Nam), Trương Hữu Quýnh, Nguyễn Phan Quang và Nguyễn Cảnh Minh thì ghi 5 động là: Tư Lẫm, Kim Lạc, Cổ Sâm, Liêu Cát và La Phù (sđd-92, tập 1, Hà Nội, 1971, trang 75). Thực ra, sự việc chỉ liên quan đến 4 động là Tư Lẫm, Cổ Sâm, Liễu Cát, La Phù và có chăng thì chỉ việc Mạc Đăng Dung trả đất chứ không hề có việc Mạc Đăng Dung dâng đất của Đại Việt cho Nhà Minh. Sự thực bốn động nêu trên đều thuộc trấn Như Tích vốn là đất Trung Hoai ít nhất từ đời Tống. Trấn này nằm cách Khâm Châu (Quảng Đông) 160 dặm về phía tây và cách Châu Vĩnh An của Đại Việt 20 dặm. Đây là một vùng núi cao, địa thế hiểm trở. Đầu đời Tống các động này dã đặt các chức động trưởng để trông coi và sang đời Minh, niên hiệu Hồng Vũ năm đầu (1368), vua Minh lại đặt chức Tuần ti ở Như Tích để thống lĩnh các động này một cách chặt chẽ hơn. Như đã trình bày về hai châu Quy, Thuận, các động trưởng dọc biên giới Việt - Trung thường tùy theo tình hình thực tế mà thay đổi thái độ thần phục đối với Trung Hoa hoặc Đại Việt....Vậy là ngay một số ghi chép trong ĐVSKTT như đã trích dẫn trên cũng đủ cho thấy hoàn toàn không có chuyện Mạc Đăng Dung cắt đất của Đại Việt để dâng cho Nhà Minh. Có chăng chỉ là các sử thần Lê-Trịnh vì mục đích chính trị đã xuyên tạc sự thật lịch sử để hạ nhục Nhà Mạc mà thôi.

Trong bài “Sách lược ngoại giao của Nhà Mạc” (Tạp chí Cửa biển, số 75/2004), tác giả Ngô Đăng Lợi đã trích dẫn sách “Khâm Châu chí” của Trung Quốc cho rằng: “Bảy động Chiêm Lăng, Thi La, Tư Lặc, Liêu Cát, Cổ Lâm, Tư Sẫm, La Phù (tức là những xứ đất dọc biên giới Việt – Trung mà Nhà Minh đòi Nhà Mạc phải trả lại) nguyên là đất quận Thi La, Chiêm Lãng, Như Tích đời Tuyên Đức Nhà Minh, bọn Hoàng Kim Quảng, trưởng động Tư Lẫm làm phản chiếm cứ Tư Lẫm, La Phù, Cổ Sâm, Liêu Cát, nhân đó uy hiếp cả động Tư Lặc cùng tuần ty kênh Phật Đào gồm 9 thôn, đăng dài hơn 200 dặm phụ về nước An Nam…”

Về vấn đề quy thuận

Cũng theo Toàn thư:

[năm] 1540... tháng 11, Mạc Đăng Dung... qua trấn Nam Quan... phủ phục trước Mạc phủ của quân Minh quỳ gối, cúi đầu dâng tờ biểu đầu hàng, nộp hết sổ sách về đất đai, quân dân và quan chức cả nước... dâng các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù của châu Vĩnh An trấn Yên Quảng, xin cho nội thuộc vào Khâm Châu... Lại sai bọn... mang biểu đầu hàng sang Yên Kinh (Sử ký) nhưng về việc này có mâu thuẫn với sách Khâm Châu chí của Nhà Thanh và Quảng Yên sách.

Về sự việc cắt đất này, còn có nhiều ý kiến khác nhau. Việc cắt đất bị nhiều sử gia về sau lên án gay gắt, nhưng cũng có ý kiến cho rằng ông làm thế là khôn khéo nhất, vì cùng một lúc không thể chia sẻ lực lượng ra để chống lại hai thế lực: Nhà Minh ở phía bắc, liên minh - Nguyễn ở phía nam.[79][80]

Trên thực tế, điều này (dù có hay không) đã ngăn không cho Nhà Minh đem quân vào Đại Việt và kể từ sau khi ông mất thì cháu ông, Mạc Phúc Hải vẫn là người có toàn quyền tối cao điều hành đất nước từ địa phận Ninh Bình ngày nay trở ra.

Về sự kiện này, GS Trần Quốc Vượng cho rằng:[81]

Hành động “đầu hàng” của Nhà Mạc do Minh sử chép là một sự phóng đại để khoe khoang, hành động ấy vua Lê sau này cũng lặp lại gần nguyên xi thì lại không bị sử gia Nhà Lê nêu lên để phê phán. Đó (việc làm của vua Mạc) chẳng qua là một hành động “tượng trưng” (quàng dây lụa vào cổ, không phải là tự trói), một sự “nhún mình” (cũng có thể nói là hơi quá đáng) của một nước nhỏ đối với nước lớn trong điều kiện tương quan chính trị ngày xưa (và nên nhớ lúc ấy Mạc Đăng Dung đã thôi ngôi vua được 10 năm rồi và là một ông già sắp chết (từ Nam quan trở về được mấy tháng thì ông qua đời), ông già này gánh nhục cho con, cho cháu và cho cả nước mà cứ bị mang tiếng mãi!). Tất cả ứng xử của Mạc với Minh cũng chỉ nằm trong một chiến lược ngoại giao hằng xuyên của Việt nhỏ Hoa lớn “thần phục giả vờ, độc lập thực sự” (Vassalité fidive, Indépendance réelle). Mà thực sự ở thời Mạc không có bóng một tên xâm lược nào trên đất nước ta, quan bảo hộ, dù hình thức như chức “Đạt lỗ hoa xích” ở Thăng Long triều Trần cũng không. Thế tại sao người này thì khen là khôn khéo, người khác lại chê là hèn hạ?

Tác giả Trần Gia Phụng trong bài viết: "Những cuộc đổi họ lớn trong lịch sử" có đoạn bình luận xác đáng về sự kiện đầu hàng Nhà Minh của Mạc Thái Tổ:

"Năm 1533,... Lê Trang Tông sai Trịnh Duy Liễu cùng hơn 10 người đi đường biển từ Chiêm Thành theo thuyền buôn Quảng Đông tới Trung Hoa xin thỉnh cầu Nhà Minh xuất quân đánh Nhà Mạc. Năm 1536 một lần nữa Lê Trang Tông sai Trịnh Viên yêu cầu Nhà Minh đánh họ Mạc.Hành động của vua Lê, kêu gọi người nước ngoài về đánh nước mình, trong đó có ý kiến cố vấn của Nguyễn Kim, không bị một sử gia nào lên án. Việc làm nầy đưa đến kết quả cụ thể là Nhà Minh cử Cừu Loan làm Tổng đốc, Mao Bá Ôn làm Tán lý quân vụ đem 20 vạn binh mã sang ải Nam Quan năm 1540. Ngược lại, trong thế yếu, muốn tránh một cuộc chiến mà mình nắm chắc phần thất bại, đồng thời dân Việt sẽ một lần nữa bị đặt dưới ách thống trị trực tiếp của ngoại nhân như thời Mộc Thạnh, Trương Phụ, Mạc Thái Tổ, lúc đó đã lên làm Thái thượng hoàng, như cố giáo sư Trần Quốc Vượng đánh giá Mạc Đăng Dung đành chấp nhận "đầu hàng giả vờ để giành độc lập thực sự" cho đất nước và chấp nhận hy sinh danh dự cá nhân, lên ải Nam Quan (Lạng Sơn) chịu nhục. Nhờ sự nhẫn nhục của Mạc Thái Tổ,... Đại Việt trên danh nghĩa là lệ thuộc Trung Hoa, nhưng trong thực tế vẫn độc lập một phương được Nhà Minh công nhận phong ấn tín,5 đời vua Mạc trị vì 65 năm (1527-1592) ở Thăng Long, vẫn cai trị đất đai từ Lạng Sơn trở xuống, đâu có viên tướng Tàu nào bén mảng sang cai trị. Ai cũng bảo Mạc Đăng Dung đầu hàng Nhà Minh vì quyền lợi gia đình họ Mạc, nhưng giả thiết, một giả thiết không bao giờ có thể quay lại được, Mạc Đăng Dung chống cự quân Minh như họ Hồ, nước ta bị tái đô hộ, thì nhân dân ta còn khổ biết bao nhiêu nữa. Đàng này, Mạc Đăng Dung một mình chịu nhục cho trăm họ bình yên. Người ta ưa ca tụng Hàn Tín khi nghèo khổ đã lòn trôn tên bán thịt chợ Hoài Âm (Trung Hoa) như là một gương nhẫn nhục đáng noi theo, nhưng chẳng một ai chịu chia sẻ với nỗi nhẫn nhục vĩ đại của Mạc Đăng Dung. Mạc Đăng Dung lúc đó đã là ông già 60 tuổi rất buồn tủi về sự kiện Nam Quan (Lạng Sơn) nên về nhà chưa được một năm, ông nhuốm bệnh từ trần năm 1541."

Đi xa hơn nữa, tác giả còn so sánh hành động này của Mạc Đăng Dung với vua Lê sau ngày trung hưng về Thăng Long:

...(Theo Việt sử Thông giám cương mục) "sau khi trở về Thăng Long, năm 1596 vua Lê Thế Tông (trị vì 1573-1599) cử người đem hình dạng hai quả ấn của Nhà Mạc và vua Lê lên Nam Quan cho đại diện Nhà Minh khám xét, nhưng quan Nhà Minh không chịu, bắt vua Lê phải thân hành đến gặp. Vua Lê phải chấp hành, nhưng khi đến nơi đợi lâu quá không được gặp quan Nhà Minh, vua Lê đành trở về, rối năm sau (1597) lên một lần nữa mới được hội kiến. Sự kiện nầy chẳng khá gì hơn việc Mạc Đăng Dung lên Nam Quan năm 1540..."